14 tháng 2, 2007

Tại sao người ta hút bàn là?

Nguồn: Báo Khoahoc.com.vn, ngày 12/2/2007

(GIẢI THÍCH HIỆN TƯỢNG NGƯỜI HÚT ĐỒ VẬT BẰNG KIẾN THỨC VẬT LÝ PHỔ THÔNG)

Gần đây, tivi có chiếu cảnh người có khả năng hút bàn là, thìa, đĩa,… Báo “An ninh thế giới” số 620, Thứ Bảy, ngày 6-1-2007 có đăng bài của tác giả Phạm Ngọc Dương với tiêu đề “Lý giải hiện tượng hút kim loại của các cảm xạ viên”. Trong bài có đăng ảnh một “cảm xạ viên hút được 19 KG sắt”, ảnh “nhạc sĩ Trần Tiến còn hút được cả đĩa bằng sứ...”.

Các nhà khoa học tên tuổi có nhiều ý kiến về sự lạ này, người thì cho đó là sự tác động của ý thức lên vật thể, người thì cho đó là hiệu ứng đặc biệt xuất hiện ở những người tập luyện cảm xạ lâu năm, rất huyền bí,... người thực thà nói là chưa thể lý giải được, người thì cho “đây sẽ là vấn đề mới của khoa học, sẽ mở ra chân trời mới cho các nhà khoa học nghiên cứu”.

Từ lâu, Kì Nam cũng đã “hút” bàn là như các cảm xạ viên, cũng “hút” thìa sắt, đĩa sứ như Trần Tiến. Kì Nam giải thích hiện tượng này bằng kiến thức vật lý phổ thông.

1. Hình chiếu trọng tâm của vật thể nằm trong hình chiếu của bề mặt tiếp xúc.

Để dễ theo dõi, xin được phép phân tích từ ảnh cảm xạ viên hút 19 KG sắt nhưng bỏ qua mấy thỏi sắt bên trên, còn lại ảnh người hút bàn là (ảnh chỉ mang tính minh hoạ). Để việc trình bày được ngắn gọn, xin dùng đồ thị 2 chiều.


Hình 1: Người hút bàn là



Hình 2: Mặt tiếp xúc giữa da và bàn là có vẽ đường viền tô đậm

Giữa da và mặt bàn là có một mặt tiếp xúc, trên hình 2, đường viền của nó được tô đậm. Đường AB chia vùng tiếp xúc thành 2 nữa, trọng tâm T1 của bàn là nằm trong mặt phẳng vuông góc với mặt đất (phẳng) và qua AB, cách AB một khoảng ngắn. Hình chiếu (thẳng đứng) của A trên mặt đất là A’, của B là B’, của T1 là T1’. Giả sử bàn là có trọng lượng là 2 KG (chữ G viết Hoa), có nghĩa là Quả Đất đã hút bàn là với một lực là 2 KG (ký hiệu P1, 1KG xấp xỉ 9,8 N - N là ký hiệu một đơn vị lực hợp pháp của Việt Nam, đọc là niu-tơn), điểm đặt của nó trên bàn là tại T1. Trong hình 3 và 4, trục X nằm trên mặt đất, trục Y nằm trong mặt phẳng qua AB và trọng tâm T1.


Hình 3: Phân tích hình chiếu trường hợp bàn là bám trên ngực



Hình 4: Phân tích hình chiếu trường hợp bàn là rơi xuống đất

Nếu hình chiếu của trọng tâm T1 (là T1’) nằm trong hình chiếu đoạn AB (là A’B’) (Hình 3) thì bàn là bám trên ngực. Nếu cúi người xuống một chút, sao cho hình chiếu bàn là nằm ngoài hình chiếu đoạn AB (Hình 4) thì bàn là rơi xuống đất.

Trường hợp có thêm mấy thỏi sắt cũng giải thích tương tự, trong đó T2 là trọng tâm thỏi sắt, T2’ là hình chiếu của nó trên mặt đất, P2 là lực trọng trường tác dụng vào thỏi sắt.

Trường hợp “hút” các thìa kim loại, các đĩa sứ, đĩa thuỷ tinh,... cũng giải thích tương tự.

Bạn nhìn kỹ các hình đã đăng trên báo, sẽ thấy rằng mặt tiếp xúc giữa vật và cơ thể đều phải nghiêng vừa đủ – sao cho hình chiếu của trọng tâm của vật nằm trong hình chiếu của diện tích tiếp xúc.

2. Vai trò của lực ma sát

Có một lực ma sát ở mặt tiếp xúc giữa da và bàn là đủ lớn để bàn là không trượt theo mặt nghiêng rơi xuống. Nếu bôi dầu luyn vào mặt bàn là thì bàn là rơi liền.

3. Vai trò của áp suất không khí.

Trong mặt tiếp xúc giữa da và bàn là có một lớp không khí mỏng. Nếu bàn là có cơ hội dịch ra khỏi da, lớp không khí này dãn nở ra, áp suất nhỏ hơn 1 at (át-mốt-phe), khi đó áp suất không khí bên ngoài, là 1 at, sẽ chống lại sự dãn nở nói trên và đương nhiên có tác dụng đẩy bàn là vào vị trí cũ.

Nếu lớp không khí mỏng này được thay bằng một lớp dung dịch không bay hơi (ở nhiệt độ thường) thì hiệu quả này là đáng kể bởi dung dịch hầu như không dãn nở trong điều kiện đang xem xét. Tuy nhiên, do da người luôn luôn ở trạng thái thở (thở bằng da) nên vai trò chống rơi của áp suất không khí rất hạn chế.

Nếu lót một tờ giấy mỏng vào mắt tiếp xúc nói trên thì hiệu quả này mất hẵn, bàn là sẽ rơi tức thì.

4. Hình dáng của bàn là


Hình 5: Nhạc sĩ Trần Tiến “hút” thìa kim loại, đĩa sứ...
(Ảnh theo nguồn báo ANTG số 620, ngày 6/1/2007)


Hình dáng của bàn là rất quan trọng. Trong ảnh là loại bàn là đế gang, trọng tâm của nó nằm sát mặt là. Nếu dùng loại bàn là có đổ đầy nước thì người biểu diễn phải nằm ngửa, bàn là mới ở trên ngực được. Chung quy là, phải dùng loại bàn là hoặc vật thể có trọng tâm rất gần mặt tiếp xúc, sao cho hình chiếu của trọng tâm nằm trong hình chiếu của mặt tiếp xúc - trở lại nguyên nhân số 1.

5. Vai trò của luyện tập

Sau một thời gian tập luyện theo các phương pháp luyện công, người ấm lên, trên mặt da xuất hiện một lớp mồ hôi mỏng – nguyên nhân số 3 phát huy tác dụng ở một chừng mực nào đó. Một số người bẩm sinh, không cần qua tập luyện, đã có lớp mồ hôi này rồi.

Tóm lại, có 5 nguyên nhân để người có thể “hút” các vật, trong đó nguyên nhân số 1 là chính: hình chiếu trọng tâm của vật phải nằm trong hình chiếu của mặt tiếp xúc. Hiện tượng người “hút” vật thể đã nêu trên báo khác hẵn hiện tượng nam châm hút sắt. Trừ khi dùng keo con voi, nếu cúi gập người xuống tất cả các vật trong ảnh sẽ rơi xuống đất. Trường hợp đặc biệt, không cần cúi, nếu ông Trần Tiến thót bụng lại, cái đĩa sứ trên rốn cũng sẽ rơi xuống liền.

Tổng tất cả các lực hút (trừ trọng lực), lực nâng, kể cả các lực siêu nhiên (nếu có), trong trường hợp này, không thắng nổi lực hút của Trái Đất theo định luật thứ 2 của ông Niu-tơn (định luật này đã có ghi trong giáo trình vật lý phổ thông).

Ghi chú: Các đoạn văn hoặc từ trong ngoặc kép " " là trích từ báo ANTG số 620, ngày 6-1-2007
Tác giả: Kì Nam
Email: hoanbt@fpt.vn
»»  đọc tiếp

1 tháng 2, 2007

Nguời ba mắt có thêm khả năng áp vong

Không chỉ có khả năng nhìn được bằng con mắt thứ ba (bịt mắt vẫn nhìn được), người phụ nữ kỳ lạ này còn bộc lộ thêm các khả năng đặc biệt khác. Rất nhiều nhà khoa học đang chăm chú theo dõi sự phát triển các khả năng của chị Hoàng Thị Thiêm.

Chị Hoàng Thị Thiêm, 40 tuổi, ở Lương Sơn, Hoà Bình, đã biểu diễn khả năng “bịt mắt” nhìn bằng ấn đường, được chúng tôi phản ánh và tổ chức toạ đàm (thông tin được đăng trên các số báo 82, 83 ra ngày 13 – 16/10/2006 và 89, ra ngày 6/11/2006) trước sự chứng kiến của các nhà khoa học và 25 báo đài trong cả nước.
Bịt mắt đi xe máy

Sau toạ đàm một thời gian, chị Thiêm được thử nghiệm bằng màn trình diễn khá mạo hiểm: bịt mắt đi xe máy tại vùng đồi núi quanh co, nơi chị sinh sống ở Lương Sơn, Hoà Bình. Ông Nguyễn Phúc Giác Hải, người được mệnh danh là bà đỡ cho các khả năng đặc biệt đã chứng kiến và ghi  băng, chụp ảnh.

Toàn bộ phần mắt của chị được bịt kín. Chị chỉ có thể “nhìn” bằng trán và thái dương. Đường thử nghiệm là đường đất đỏ, nhiều đồi núi dốc, quanh co vậy mà chị vẫn lái xe như người bình thường nhìn bằng 2 mắt.

Áp vong

Chúng tôi đến Liên hiệp tin học ứng dụng (UIA) khi chị Thiêm đang làm thử nghiệm về áp vong. Trong khoảng thời gian này, số gia đình đăng ký thử nghiệm áp vong tăng lên rất nhiều. Trung bình mỗi ngày, chị Thiêm làm cho khoảng 4 – 5 gia đình. Khi chúng tôi đến, chị Thiêm đang áp vong cho gia đình bà Nguyễn Thị Ngoan ở 140 Phạm Hồng Thái, Vũng Tàu.

Bà Ngoan có một người con gái tên là Nhật Hoa đã mất. Chị Hoa làm kế toán cho một công ty đăng kiểm hàng hải ở Vũng Tàu. Trong lần ra Hà Nội cùng bà để thăm thú bạn bè và họ hàng, chị Hoa đã bị cảm và mất cách đó hơn một tháng. Cái chết của chị Hoa làm bà Ngoan đau đớn đến tột cùng.

Sau khi được biết,  Liên hiệp tin học ứng dụng UIA đang thử nghiệm khả năng đưa vong người chết nhập vào người sống trong gia đình, bà đã đăng ký tham gia. Người được cử để đáp vong là chị Hạnh (chị là con anh trai bà Ngoan, người tận tình chăm sóc Nhật Hoa trong những ngày cuối cùng). Chị Thiêm đặt tay lên đầu chị Hạnh, lầm rầm khấn một vài câu, chị Hạnh gần như mê đi và nói với mẹ, với người thân như lúc Nhật Hoa còn sống.

Chứng kiến cảnh chị Hạnh ôm mẹ khóc chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Chị nói với mẹ một số kỷ niệm của hai mẹ con, nhắc mẹ chú ý tới sức khoẻ và dặn dò nhiều điều làm những người chứng kiến không khỏi rùng mình. Khi chị Thiêm bỏ tay ra khỏi đầu chị Hạnh, chị Hạnh dần trở về trạng thái ban đầu.

Sau thử nghiệm, chị cho biết: “Bản thân chẳng nhớ mình đã nói gì, chỉ có cảm nhận lờ mờ là cơ thể hơi tê tê”.

Để tìm hiểu cụ thể về áp vong,  chúng tôi  đã trao đổi với tiến sĩ Chu Phác, Chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý, Trung tâm nghiên cứu Tiềm năng con người. Ông cho biết, áp vong tức là gọi vong lên cho nhập vào người thân trong gia đình, từ đó gia đình có thể trò chuyện với người đã mất. Trong thế giới tâm linh, có rất nhiều điều con người chưa khám phá được.

Từ trước đến nay đã có nhiều người gọi hồn của người thân cho nhập vào bà đồng cốt và đã nghe được tâm sự của người thân. Năm 2000, bản thân tiến sĩ Chu Phác đã có báo cáo về kết quả khảo sát khả năng đặc biệt của chị Nguyễn Thị Phương ở Hàm Rồng, Thanh Hoá. Chị Nguyễn Thị Phương sinh năm 1974 ở xã Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Chị chỉ học hết lớp 7 phổ thông, đã có chồng và hai con.

Nhóm nghiên cứu của ông đã dùng phương pháp đo đạc của tâm lý học hiện đại cũng như phương pháp đo đạc ngoại cảm của Tiến sĩ Hans Eysenck và Carl Sargent, giáo sư giảng dạy tại trường đại học Cambridge (Anh) và các phương pháp tiếp cận khác.

Tất cả gia đình đến thử nghiệm đều không báo cho chị Phương tên mình và tên vong cần mời về, các gia đình chỉ cần thắp hương mời vong đi từ nhà mình. Khi vong của gia đình nào về, chị Phương báo cho gia đình đó vào nhận vong.

Thực tế thì gần như các trường hợp chị Phương đều mời được vong về, có sự xác nhận của người thân trong gia đình. Từ kết quả nghiên cứu này, theo ông Chu Phác, thế giới vật chất tối còn rất nhiều điều chưa lý giải nổi, vong được coi là vật chất mù, ở thế giới đó chúng ta chưa khám phá hết. Việc áp vong của chị Thiêm cũng là trường hợp đặc biệt, cần nhiều thời gian để nghiên cứu hơn mới khẳng định được.

Chữa tâm bệnh

Tiếp theo thử nghiệm áp vong, chị Thiêm được làm thử nghiệm chữa tâm bệnh. Theo một số nhà khoa học, người mắc tâm bệnh thường do gặp biến cố trong cuộc sống, có người do vong nhập vào khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Họ như người tâm thần hoặc cảm thấy đau rất nhiều vùng trong cơ thể nhưng khi đi kiểm tra bằng y học hiện đại thì không tìm thấy bệnh hay nguyên nhân gây bệnh.

Chị Nguyễn Kim Thanh, 40 tuổi ở Khương Thượng, Hà Nội là người bị mắc tâm bệnh, đã chữa ở nhiều nơi nhưng không khỏi. Chị Thiêm cũng dùng phương pháp áp vong để chữa bệnh. Kết quả bệnh của chị Thanh có thuyên giảm nhưng chưa rõ rệt. Hiện những người được áp vong để chữa tâm bệnh ở Trung tâm này lên tới vài chục người. Do đang trong quá trình nghiên cứu nên chúng tôi chưa thể thông tin tới bạn đọc.

Cũng với cách áp vong của chị Thiêm, qua chị, các nhà khoa học tiếp tục thử nghiệm tìm mộ liệt sĩ bằng cách mời vong lên nói chuyện. Một số ca đã vê quê xác định và thấy đúng có liệt sĩ thật. Tuy nhiên, số mộ chị Thiêm tìm được còn ít nên chưa có cơ sở khẳng định khả năng này.

Ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp tin học ứng dụng UIA cho biết, qua những khả năng đặc biệt của chị Thiêm, tới đây Liên hiệp sẽ tổ chức kiểm chứng bằng phương pháp vật lý. Cụ thể, sẽ đưa máy đo nhập từ nước ngoài về để đo nhiệt độ cơ thể của những người được áp vong.

Nếu theo logic, khí vong nhập về thì nhiệt độ cơ thể người được áp vong sẽ giảm đột ngột trong một khoảng thời gian rất ngắn, lúc đó cơ thể họ cảm thấy hơi tê tê. Khi chưa có máy, Liên hiệp đã ghi nhận được một số trường hợp vong nhập về nói tiếng Nga, Trung Quốc... (thực tế những người đến áp vong không nói được ngôn ngữ này). Nếu quả thật chị Thiêm có khả năng giao tiếp ngược thì chúng ta sẽ khám phá được rất nhiều điều có ích cho cuộc sống.

Tin Viet Online
(Theo Khoa học và Đời sống)
»»  đọc tiếp