Nguồn: Ngoisao.net , ngày 4/5/2007.
Sau 5 tháng, trái quất được ông Canh truyền năng lượng vẫn còn giữ nguyên sắc vàng tươi, bên ngoài vỏ hơi nhăn nheo nhưng bên trong vẫn mọng nước. Trái quất còn lại không được truyền năng lượng đã thối đen, bé quắt lại và lốm đốm mốc trắng...
Vốn là một giáo viên cấp 2, về hưu với tiền sử bệnh cao huyết áp khá nặng, ông Nguyễn Xuân Canh ở số 2 ngách 13 ngõ 179 phố Đội Cấn, Hà Nội, cùng một số ông bạn già theo học một lớp cảm xạ dưỡng sinh để nâng cao sức khoẻ. Sau 4 năm chăm chỉ luyện tập theo những phương pháp của thày Dư Quang Châu, chủ nhiệm bộ môn Cảm xạ học thuộc Liên hiệp Khoa học công nghệ và tin học ứng dụng, ông Canh thấy người khoẻ hẳn ra. Không chỉ vậy, ông Canh còn thể có truyền năng lượng của mình để chữa bệnh cho người nhà. Điều làm ông cảm thấy rất lý thú nữa là hàng ngày, ông có thể dùng năng lượng cảm xạ làm cho các loại hoa quả, thực phẩm tươi lâu hơn.
Tết năm ngoái, lớp cảm xạ gặp mặt đầu xuân. Thấy cây quất ra trái vàng óng rất đẹp, một người đề xuất ý tưởng thực hành truyền năng lượng cảm xạ vào quả quất xem kết quả thế nào. Ông Canh chọn hai quả chín đều, to như nhau mang về. Ba ngày sau đó, mỗi ngày ông Canh áp dụng phương pháp "nâng khí gọi màu", truyền năng lượng ra bàn tay rồi truyền vào một quả quất, quả còn lại để riêng một chỗ. Rồi ông để hai quả vào hai chỗ xa nhau, thỉnh thoảng bỏ ra theo dõi sự thay đổi.
5 tháng sau, ông mang hai quả ra đối chiếu và ghi lại những khác biệt. Trái quất được truyền năng lượng sau 5 tháng vẫn còn giữ nguyên sắc vàng tươi, bên ngoài vỏ hơi nhăn nheo nhưng bên trong vẫn mọng nước, trái quất còn lại không được truyền năng lượng đã thối đen, bé quắt lại, lốm đốm mốc trắng, nhỏ bằng một phần ba trái kia. Ông Canh đem kết quả trình bày với nhóm bạn học cảm xạ, trong đó có một ông bạn cũng thử nghiệm và có kết quả tương tự.
Từ đó, ông Canh thường xuyên sử dụng cách truyền năng lượng vào những loại hoa quả vợ con mua về để giúp chúng tươi ngon lâu hơn, truyền cho hoa và các loại cây cảnh trong nhà... Tất cả đều có kết quả tươi tốt lâu hơn bình thường.
"Nếu không theo học cảm xạ, bản thân tôi chắc cũng không tin chuyện này. Ngày xưa, nếu có ai làm được như thế, thế nào cũng bị gán cho cái tội phù phép, bùa ám... làm mê tín dị đoan", ông Canh nói. Cảm thấy rất lý thú trước những điều hữu ích mà cảm xạ đem lại, ông Canh rất chăm chỉ rèn luyện và có thể chữa được cho con cháu, người quen những bệnh đơn giản như đau đầu, sốt, viêm nhiễm nhẹ...
Cách đây 2 năm, một chương trình thử nghiệm áp dụng cảm xạ để kích thích tăng trưởng và phòng trừ sâu bệnh cho thảo mộc được thực hiện tại Câu lạc bộ Trang trại TP HCM. Ông Phùng Hữu Hạt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ lúc đầu bán tín, bán nghi, nhưng những kết quả ban đầu đã khiến ông thay đổi hẳn suy nghĩ. Gần 50 nhà khoa học và chủ trang trại đã tiến hành ứng dụng cảm xạ học trên 100 cây nhãn, mục đích là đưa năng lượng của môi trường tác động vào cây nhãn giúp nó phát triển tốt. Các nhà cảm xạ đã cuốn dây đồng quanh thân cây để hút "đạm" và tạo môi trường cục bộ tốt cho cây phát triển tự nhiên
Họ đã dùng con lắc để gần sát cây nhãn và “hỏi” con lắc: sóng xoay theo chiều nào? Nên cuốn bao nhiêu vòng dây đồng cho cây? Cuốn theo chiều nào? Đầu dây đồng nên hướng về đâu?.. Con lắc “trả lời” thế nào thì làm theo thế ấy. Tiếp đến là cắm đầu âm của sợi dây đồng xuống đất, đầu dương lên trời và bẻ cho đầu dây trên xoay về hướng bắc. Một năm sau, những cây nhãn có cuốn dây đồng cho trái to đều hơn, bóng hơn và cây ít sâu bệnh hơn những cây không cuốn sợi dây đồng. Thử nghiệm biện pháp này trên cây mai cũng cho thấy hoa đẹp hơn, rực rỡ hơn; trên một nhánh mít đang bị sâu bệnh thì một thời gian sau thấy nhánh mít đó giảm hẳn sâu bệnh; hoặc dùng biện pháp này để bón đúng nhu cầu phân cho cây trồng, hay để tìm những nơi có nguồn nước ngầm… cũng đạt một số kết quả khả quan.
Một đề tài tương tự là "trồng lúa bằng nhân điện” trên các cánh đồng ở tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... Những thửa lúa này lúc trồng cũng trải qua các công đoạn truyền thống và điều kiện thổ nhưỡng, giống, nước cũng không có gì đặc biệt. Điểm khác biệt chỉ là cách trồng lúa truyền thống phải bón phân, phun thuốc trừ sâu, còn lúa trồng bằng năng lượng sinh học thì hoàn toàn không cần. Hằng ngày, những người có khả năng truyền năng lượng sinh học sẽ đến nhìn lúa trên thửa ruộng đó khoảng 1-2 phút. Các ruộng lúa “bón bằng mắt” nằm sát những thửa ruộng được chăm sóc theo cách bình thường. Cuối vụ, lúa “bón bằng mắt” lên xanh tốt như lúa trồng bón phân, xịt thuốc, năng suất đạt 5-6 tấn/ha, nhưng lúa “năng lượng sinh học” cho thóc sạch, gạo sạch, lâu thiu, còn độ thơm dẻo thì như lúa bình thường. Đất trồng lúa “năng lượng sinh học” vẫn đảm bảo độ màu mỡ chứ không bị bạc màu như cách canh tác thông thường.
Ngọc Hà