10 tháng 8, 2009

Tiết thực không phải là tuyệt thực

(SKGĐ) Tiết thực không có nghĩa là nhịn ăn hoàn toàn- tuyệt thực. Thực chất, tiết thực là điều chế, tiết giảm việc ăn uống. Tuy nhiên, hai khái niệm này đang bị đánh đồng, vì thế đã làm sai lệch đi y nghĩa của tiết thực.

Tiết thực có từ đâu?

Câu hỏi này thật không thể trả lời. Bởi, không ai có thể nói chính xác được con đường du nhập của tiết thực vào Việt Nam và mỗi chuyên gia lại đưa ra những quan điểm của riêng mình. Bác sĩ Dư Quang Châu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng năng lượng- Chủ nhiệm bộ môn cảm xạ học (thuộc Liên hiệp khoa học công nghệ và ứng dụng tin học Việt Nam) cho rằng: Khái niệm tiết thực bắt đầu được người Việt Nam biết đến thông qua cuốn "Tuyệt thực đi về đâu" của ông Thái Khắc Lễ- một cuốn sách chỉ dẫn phương pháp nhịn ăn để tăng cường sức khoẻ và tránh hậu quả của việc nhịn ăn không đúng cách.

Bản thân bác sĩ Châu cũng áp dụng phương pháp này cho người mẹ vốn mắc bệnh ung thư cổ tử cung của mình. Kết quả thật đáng kinh ngạc, theo ông, bà cụ có thể sống tới 3 năm thay vì 6 tháng như chuẩn đoán của bác sỹ. Nhưng thật khó thuyết phục nếu nói cả một phương pháp mang tính khoa học đã được thế giới biết đến từ lâu lại vào Việt Nam chỉ thông qua một cuốn sách.

Chị Thanh Thuỷ- nguyên chủ nhiệm CLB cảm xạ Hà Nội lại cho rằng: Khái niệm tiết thực bắt nguồn từ phương pháp thực dưỡng Ohsawa (bắt đầu xuất hiện vào Việt Nam từ những năm 2002) vốn là một phương pháp ăn uống theo thuyết cân bằng âm dương để điều hoà khí huyết, giúp thanh lọc độc tố trong cơ thể. Sau đó, phong trào Yoga phát triển trên tinh thần lĩnh hội những ưu điểm đó và tiết thực được người ta bắt đầu nói đến như một phần của hai phương pháp trên.

Tiết thực khác với tuyệt thực.

Hiện nay, rất nhiều người lầm tưởng tiết thực là nhịn ăn hoàn toàn (chỉ uống nước lọc). Bên cạnh đó, trong khi bộ y tế chưa có bất kỳ động thái nào đối với việc khảo nghiệm phương pháp này thì những thông tin đa chiều, phức hợp đan xen đến với công chúng theo nhiều cách khác nhau đã tạo ra rất nhiều hoang mang. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc có nhiều quan điểm trái chiều xung quanh chuyện nên nhịn ăn hay không và vấn đề tiết thực thường bị đánh đồng với tuyệt thực. Qua trao đổi với các chuyên gia, chúng tôi nhận thấy, tiết thực cũng coi như là nhịn ăn nhưng chỉ "nhịn" những thức ăn có hại với cơ thể.

Có thể nói, tuy mỗi chuyên gia đều có cách ly giải riêng về nguồn gốc tiết thực nhưng họ lại đồng nhất với nhau về một điểm: Tiết thực không phải là nhịn ăn hoàn toàn mà là ăn uống một cách khoa học, hạn chế ăn các thức ăn có nhiều mỡ và đạm trong một thời gian nhất định dưới sự theo dõi, hướng dẫn của những người có chuyên môn. Như chúng ta đã biết, trong mỗi tế bào, mỗi cơ quan trong cơ thể người đều có "thức ăn dự trữ" để sử dụng khi đói. Việc thường xuyên tiếp thêm "thức ăn" cho các tế bào trong khi chúng không thể sử dụng hết sẽ tạo ra những độc tố có hại và sinh ra bệnh tật. Thêm vào đó, thực phẩm ngày nay có nhiều chất tăng trọng, chất kích thích. Qua đường ăn uống, các chất này xâm nhập vào cơ thể con người, khiến chúng ta trở nên béo phì, sức đề kháng bị suy giảm. Khi kết hợp với môi trường ô nhiễm vì khói bụi, chất thải công nghiệp, những chất này tạo ra sức "công phá" tổng lực đến sức khoẻ con người, là nguyên nhân hình thành đến những căn bệnh nan y khó chữa.

Sau hàng chục năm nghiên cứu, khảo nghiệm và bản thân áp dụng, bác sỹ Châu đi đến kết luận: Tiết thực là cách hữu hiệu nhất để gột rửa các chất độc ra khỏi cơ thể, cân bằng âm-dương, cải thiện sự tuần hoàn, hô hấp. Sinh lực thay vì phải dồn vào tiêu hoá thức ăn nay được dành để chữa trị, bù đắp các tạng phủ, cơ quan bị suy tổn. Thần kinh hệ được thư giãn, bắo thịt thoải mái nghỉ ngơi, các nội tạng làm việc ít đi, sinh lực con người được cải tạo, nhờ đó mà ảnh hưởng tốt đến trí não và nhận thức. Có thể nói, tiết thực chính là quá trình "đánh thức" khả năng "tự chữa bệnh" tiềm ẩn trong cơ thể mỗi người.

Tiết thực chữa ung thư?

Thời gian qua, một số nguồn tin cho rằng, tiết thực có khả năng chữa bách bệnh, kể cả bệnh ung thư. Đối diện với quan điểm này, bác sỹ Lê Hữu Tuấn (Trưởng khoa xét nghiệm bệnh viện cổ truyền TW) cho biết: "Trong Đông y, mỗi bệnh đòi hỏi một chế độ ẩm thực. Có những loại bệnh buộc phải kiêng một số thức ăn như: thịt, cá, trứng… diều này phụ thuộc vào sự mất cân bằng âm- dương trong cơ thể. Thực tế, tôi chưa biết một công trình nghiên cứu nào tuyên bố tiết thực có khả năng chữa bệnh ung thư."

Theo quan điểm của nhiều người, việc tiết thực có thể chữa khỏi bệnh ung thư có thể ly giải như sau: Do chất độc được tàng trữ quá nhiều nên theo phản ứng sinh tồn, cơ thể phải tự "gom" các chất độc ấy vào một chỗ, tạo thành những khối u vi trùng, đó là những tế bào ung thư. Khi ta không đưa dinh dưỡng từ ngoài vào, cơ thể buộc phải chuyển đổi cơ cấu sinh ly từ hấp thụ sang đào thải, nghĩa là lấy phần dự trữ từ các mô bên trong để nuôi chính cơ thể, các chất tích luỹ theo đó tự phân huỷ. Những người bị ung thư, càng ăn uống nhiều đồ bổ thì khối u càng phát triển. Khi tiết thực, khối u sẽ thiếu dinh dưỡng nên dừng phát triển và teo dần, trongmột số trường hợp là bị teo hết. Tuy nhiên, với một số trường hợp cơ thể vốn đã suy kiệt, việc tiết thực có thể làm cơ thể suy nhược thêm và khi đó tiết thực giảm tác dụng "gây hại" cho người bệnh.

Hay cũng có thể ly giải theo cách của chị Thanh Thuỷ (nguyên chủ nhiệm CLB cảm xạ Hà Nội), một số bệnh nhân chiến thắng được căn bệnh vốn được coi là "tử thần" này là một phần nhờ vào niềm tin và y chí mãnh liệt đã khơi dậy khả nằng "tự chữa bệnh" của con người.

Tiết thực sao cho hiệu quả

Thông thường, những đối tượng tìm đến tiết thực với 2 mong muốn chính là giảm béo và chữa bệnh. Nhưng cũng phải xác định rõ thật sự mình có thừa cân dựa theo tiêu chuẩn của Bộ y tế thế giới (WTO) hay không(đo chỉ số khối cơ thể BMI) và nên làm các xét nghiệm cơ bản để kiểm tra sức khoẻ như: Thử đường trong nước tiểu, trong máu; đo tỷ lệ cholesterol trong máu; siêu âm ổ bụng; đo acid uric trong máu….để từ đó, lựa chọn cho mình chế độ ăn uống phù hợp. Trên thực tế, tiết thực hiện nay có thể giúp người thực hiện giảm cân, rèn luyện nghị lực và cuối cùng là có một chế độ ăn uống tiết chế khoa học hơn. Để tiết thực có hiệu quả, cách tốt nhất là sau khi tiến hành các xét nghiệm nêu trên, bạn nên tiến hành tiết thực dưới sự "đồng hành" của một chuyên gia tư vấn, bác sỹ hay chuyên gia dinh dưỡng có chuyên môn.

Bác sỹ Châu cho biết: Tiết thực thường chỉ dành cho những người trên 18 tuổi và có y thức về việc mình muốn tiết thực. Y chí, sự quyết tâm chống lại mọi "cám dỗ" của thức ăn giàu đạm và chất béo vốn là những món khoái khẩu của bạn trước đây là yếu tố quan trọng giúp bạn tiết thực thành công. Bác sỹ Châu cũng khuyễn cáo những trường hợp chống chỉ định với tiết thực như: Phụ nữ mang thai và cho con bú, người bị bệnh tim, có tiền sủ chảy máu dạ dầy, đang trong thời gian dùng thuốc chữa đặc trị do bác sỹ chỉ định, cơ thể quá suy nhược, bệnh lâu ngày…đó là những trường hợp tất dễ bị suy kiệt hoặc những tai biến khó lường nếu tiến hành tiết thực. Trong thời gian tiết thực, điều cần lưu y là khi thấy cơ thể khó chịu mệt mỏi thì lập tức ăn lại từ từ và ngưng hẳn tiết thực. Đó là lúc lượng dự trữ đã cạn. Việc kéo dài chế độ tiết thực khi có cảm giác đói trở lại sẽ khiến các mô quan trọng bị tổn thương, và nếu để lâu ngày cơ thể sẽ bị suy kiệt, Cũng đừng vội vã ăn trở lại ngay những thức ăn nhiều mỡ, đạm mà hãy điều chỉnh tăng dần theo nhu cầu của cơ thể.

Các bác sỹ đều cho rằng, để cơ thể khỏe mạnh bạn nên thực hiện chế độ ăn cân bằng về dinh dưỡng nghĩa là năng lượng cung cấp cho cơ thể phải bằng năng lượng mất đi. Nhưng trên thực tế, không nhiều người làm được điều này, thường là hoặc quá dư thừa năng lượng hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết. Có thể nói, tiết thực là một trong những biện pháp khoa học để giải quyết vế thứ nhất của vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, mỗi cơ thể lại có một đặc tính riêng, do đó, không thể áp dụng một thực đơn tiết thực cho tất cả mọi người. Điều quan trọng là "lắng nghe" cơ thể mình bằng các giác quan, bằng các xét nghiệm y học, để từ đó chọn cho mình một thực đơn phù hợp nhất. Ngoài ra, bạn cũng nên kết hợp những động tác thể dục nhẹ nhàng cùng hoạt động vui chơi giải trí giúp tinh thần sảng khoái, thư giãn để tiếp thêm nguồn sinh lực mới cho cơ thể.

Tóm lại, bạn nên thực hiện tiết thực trên tinh thần:
  • Giảm lượng tinh bột trong khẩu phần ăn
  • Tránh ăn nhiều dầu, mỡ
  • Không ăn da của các loại động vật
  • Ăn nhiều rau xanh, hoa quả
  • Uống nước vừa đủ
  • Không ăn vặt
  • Hạn chế đồ ngọt.

Theo Hoàng Minh - Báo chuyên đề Sức khỏe Gia đình

Nguồn: camxahoc.com.vn

Các bài khác cùng chủ đề: